
Q có nói là sẽ viết về lý do vì sao đi học tiếp, và học về quản lý, và tất nhiên cái thói lười biếng của Q sẽ đợi tới bây giờ mới viết, sau một tuần học tại Fulbright, chạy thấy m* với các deadlines và chật vật trong việc đọc bài của một lĩnh vực hoàn toàn xa với Q, chính-sách-công.
Câu hỏi đầu tiên khi Q đặt ra cho bản thân “Sao mình không giỏi để làm cái này” mỗi khi gặp một thách thức nào đó trong công việc, việc này tốn hết một năm để cuối cùng Q quyết định đi học thay cho các lựa chọn khác. Như Ted, người có một đống bằng từ Harvard và MIT lại bảo “Tao thành thật khuyên mày không nên đi học làm gì cho tốn thời gian. Tốt nhất là cứ mỗi tháng mày tự viết một article về một chủ đề của mày, viết nghiên cứu thật sự, chỉ cần thế thôi, sau hai năm như một khóa MBA thì mày đã tự giỏi”. Mình hỏi vặn lại “Thế sao bác học lắm thế?”, trả lời “Tao học chừng đấy xong mới cho mày lời khuyên như thế con ạ”
Thế là mình thử viết, và tất nhiên không biết nổi cái nào ra hồn, một đống draft để đấy có lẽ đến khi mình tạch thì nó vẫn ở đấy để thực hiện sứ mệnh đẩy mình đến Fulbright : )). Lý do của việc không viết được, phần là mình là người không có kỷ luật, phần khác là uhm, cũng không có kỷ luật, haizzz
Câu hỏi tiếp theo “Ủa đã học khóa Leadership ở HMS cả năm giời rồi sao giờ lại học nữa?”
Sau vài lần được thuyên chuyển công việc, những thách thức mới ở những level khác nhau khiến mình cảm thấy bối rối và bế tắc. Lãnh đạo hoàn toàn khác với Quản lý, những gì mình đang vận dụng ấy là tự thân đưa ra để thỏa hiệp với hoàn cảnh, nhưng nó có những tác dụng như kỳ vọng hay không, mình hoàn toàn không biết được. Điều đó làm mình nghĩ đến những giá trị mà bản thân theo đuổi rằng liệu những điều đó có thực sự đủ tốt hay chưa, thì câu trả lời rõ ràng là Có, nhưng chưa hoàn toàn. Lãnh đạo nhân sự còn Quản lý là về công việc.
Bên cạnh đó, hãy đồng ý với Q là xã hội đang thay đổi, và Q đang già đi (nhanh chóng). Lợi thế của việc già đi là có kinh nghiệm, nhưng một bất lợi của mình, đó là sự cởi mở và linh hoạt mà tuổi trẻ mình đã có đang dần khép lại. Sự đối nghịch của hai chiều vận động đó làm mình sợ vãi đ** và do vậy mình hy vọng việc đi học sẽ giúp mình mở rộng được nhãn quan, tư duy liền mạch hơn. Con người thường lo sợ những điều họ chưa biết, hơn là những gì họ đã biết, đấy, như con ma chẳng hạn. Có ai biết con ma thế nào đâu nhưng ai cũng sợ. Mình muốn tư duy của mình nó không trở thành một con ma cho chính mình. Thế là mình xách cặp đi học, hehe.
Okay, nói lắm quá, vậy thì học Quản lý. Rồi giờ học gì? MBA, MHA, MPH hay MPP
MPP thật ra không nằm trong danh sách lựa chọn ban đầu, mà vào những thời gian sau cùng mới được bỏ thêm vào.
MBA
Ưu điểm: rõ ràng điểm lợi lớn nhất là sự rộng rãi mà nó mang lại nếu Q học, bởi giả sử ngày nào đó Q ko làm y tế thì các ngành khác vẫn có thể áp dụng. Các môn học như quản trị vận hành, cách ra quyết định, kinh tế học, giao tiếp kinh doanh, quản trị marketing, hành vi của tổ chức, v.v sẽ mang lợi ích tức thời cho mình để áp dụng vào công việc. Ngoài ra, các chương trình MBA tại Việt Nam cũng rất đa dạng, từ trường công đến trường tư đều có nên lựa chọn sẽ thoải mái.
Nhược điểm: Quản trị kinh doanh sẽ đi một vòng lớn nhưng y tế lại là một loại hình khác biệt so với những ngành còn lại. Do vậy, việc học có thể sẽ xong nhưng việc thực hành sẽ là một khó khăn khác.
MHA (Master of Health Administration)
Ưu điểm: Thiết kế cho nhu cầu để quản trị bệnh viện hoặc quản lý y tế. Một số chương trình đã có tại Đại học kinh tế, Đại học y tế công cộng, v.v..
Nhược điểm: à đây là nhược điểm của mình, vì lần cuối cùng mình học chương trình của Việt Nam là Đại học, nên giờ mà quay lại cách học đọc chép như ngày xưa thì mình không còn phù hợp. Còn nếu học MHA ở nước ngoài, thì tốn tiền, dù có xin được học bổng thì tóm lại vẫn là quá tốn tiền. Nếu đi học nước ngoài, mình sẽ phải nghỉ làm, xa rời hẳn công việc để tập trung học, điều đó còn làm xa hơn nữa con đường để trở về.
MPH (Master of Public Health)
Ưu điểm: học về y tế công cộng tại Việt Nam
Nhược điểm: Mình đã quá nhừ để học những môn tính toán, và y tế công cộng sẽ chỉ có một phần kiến thức mà mình mong đợi.
MPP (Master of Public Policy, Leadership and Management) tại Fulbright
Ưu điểm: Những mô tả của trường về việc mang chương trình học có tư duy phản biện, mô thức quản lý là điều mình nhìn thấy nhiều nhất trong các lựa chọn. Tư duy phản biện chỉ có được dựa trên nhận thức về cách một hệ thống đang vận hành, hơn là chỉ nhìn thấy được lỗ chỗ một vài điểm. Ngoài ra, tính thực tế là cần thiết để rút ngắn thời gian từ lớp học đến công việc, mình không muốn đi học nước ngoài hết hai năm và xa rời thực tế Việt Nam. Tại Fulbright, giảng viên không chỉ giảng dạy mà còn nghiên cứu và tư vấn chính sách, đó không chỉ còn là những lời trên quảng cáo mà thực tế Fulbright đã mang những đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam trong suốt thời gian qua, và toàn bộ những kinh nghiệm đó các Thầy Cô sẽ mang trao lại cho chương trình.
Nhược điểm: không phải là chương trình thiết kế cho Y tế.
Dạo sau này, mình nhận ra hai điều khiến thế giới quan của mình dễ chịu hơn, một là thế giới này không có điều gì đúng hay sai, trắng hay đen, và hai là thế giới rất rộng, khi mình chấp nhận nó rất rộng, nghĩa là mình chấp nhận mình là một người ngu-có-nhận-thức, điều đó làm cho việc tìm tòi trở thành một trải nghiệm rất dễ chịu. Học Quản lý Công, sẽ là ở mức độ cao hơn so với mức quản lý mà mình đang làm, nhưng nó vẫn dựa trên một số logic như nhau, bởi suy cho cùng, con người là yếu tố quan trọng nhất cho một quyết định. Hiểu được mối quan hệ đó, thì các bài toán để giải nó ra, đã đơn giản hơn rất nhiều.
Và sau một tuần tại Fulbright, mình không hề hối tiếc về quyết định theo học ở đó. Còn viết về chương trình của mình, hoy chờ học thêm một đợt nữa rồi chia sẻ sau vẫn kịp 🙂