Du lịch nào

Phan Rang _ Biển xanh, cát trắng và câu chuyện về thác Chapơr

Rất tình cờ, tôi đến với Phan Rang chỉ vì cái nuốt nước miếng vì sự nhung nhớ một tô bún bò, ngao hấp xả, v.v và v.v… của một con bé nọ. Nếu ai từng thấy cái kiểu nuốt của nó thì tôi chắc rằng người đó sẽ hiểu vì sao tôi gật đầu để đi nhanh chóng đến vậy 🙂

Bún bò Phan Rang

Sự gật đầu vốn dễ dàng kỳ lạ, và sự gom góp các thành viên đi cùng còn kỳ lạ gấp mấy lần. Ấy vậy mà vui vì có lẽ đâu đó trong mỗi người đều có cái máu lang bạt kỳ hồ, kể cả chị Nhànbé Kẹo, lần đầu đi chơi bụi đời đến như vậy. Và có lẽ người tôi nên cảm ơn nhiều nhất chính là anh Thắng, người đã làm chuyến đi đáng ra là để ăn lại trở thành chuyến đi lên rừng xuống biển tưng bừng khói lửa. Anh ấy cũng là người mua vui cho cho nhóm nhiều nhất, kể cả ngay khi anh ấy không cố tình thì cái đam mê hừng hực lẫn hùng hục để đi tìm nàng thơ cũng khiến mọi người thấy ngộ nghĩnh và vui vẻ.

Vịnh Vĩnh Hy, Con đường mới mở và Hành trình đi tìm nàng thơ của “Người đàn ông có chiếc Ba lô bự” (theo cách nói của Kẹo)

Chúng tôi có một chút buổi sáng để ăn món bún bò của Kẹo. Tôi biết Kẹo thèm thuồng món này rồi, nhưng thành thật mà nói thì khẩu vị ở Phan Rang nói chung dường như hơi khác so với tôi, đa phần là hơi ngọt. Đi để ăn cũng như một cách tìm hiểu văn hoá, thế cũng tốt.

Thuê hai chiếc xe máy và được cảnh báo trời rất nắng, còn chờ gì nữa, lên đường thôi

Lần đầu tiên đi chơi với dân chụp hình, nghĩa là cứ đường ai nấy đi, khác hẳn đi với các bạn phượt. Dân phượt đi có tụ, có dẫn đoàn và chốt đoàn. Còn dân hình như anh này thì cứ biết đường vậy đó, đẹp thì dừng lại chụp, không thích thì xe kia cứ đi trước. Hồi đầu cũng hơi shock, nhưng bản thân là đứa thích ứng nhanh công thêm việc chạy xe máy nhanh…hơn rùa bò, nên bạn í rất tự tin phi trước :))

Trong khi đi nhầm đường thì lại lọt vào một làng chài ven biển, nơi có nắng sáng trong vắt như pha lê, rải đầy óng ánh trên biển

Rất độc lập, anh chàng có chiếc ba lô bự trong khi phơi phóng, 3 chị em không có tripod lẫn không có nhu cầu phơi, đi lang thang mỗi người một nẻo. Và vẫn như bao lần, tôi luôn thích cảm giác như người vô hình giữa những người khác, khi đi lang thang trong cái làng chài đấy. Chẳng ai thèm để ý, hỏi thăm gì. Họ còn bận xem lưới, sửa tàu, gần bờ thì đôi ba anh chàng mang kính bơi nhảy xuống để tìm cá. Tàu thuyền nằm xếp lớp chen kín bãi đầu cầu tàu, nơi xa chút nữa thì thuyền thúng đủ màu sắc cứ thong thả bềnh bồng. Trên bờ bầy dê đi nhặng xị, và dưới tảng đá gần bờ thì có 2 con nhỏ nọ ngồi như hâm giữa cái nắng rực, ca hát nghêu ngao…Chị Nhàn khi đó, đã mang xe và tránh nắng trong một bóng cây man mát ở trên bờ

Kẹo : Người đàn ông có chiếc ba lô bự
Ờ…Phởn chí đây 🙂
Thuyền thúng
Nghỉ ngơi
Bạn mình :”)
Đơn độc

Chán chê thì lại lên đường, và đi theo một con đường ngộ nghĩnh có lát đá viên nho nhỏ như con đường giữa sân vườn ở các gia đình thành phố, chúng tôi đi đến Bãi rùa.

Cảm giác rất giống với hồi đi Mũi Đôi, khi mà chúng tôi chia tay cô chú có cái lán trong rừng, mang theo trà đường cô chú cho và chui ra được khỏi bụi cây giữa sa mạc cát, thì biển hiện ra phía dưới thấp. Chỉ khác một chút, nơi đây có những tán cây nên thơ hơn, và biển cũng không cong vút như bãi Bùm ngày ấy

Xa khơi

Phan Rang thì còn món nho không chỉ để ăn, mà còn để làm rượu. Trên đường tới Vĩnh Hy, chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng nho xanh mướt

Nho Phan Rang

Và đây, vịnh Vĩnh Hy

Vịnh Vĩnh Hy

Được bao bọc bởi dãy núi Chúa (tên đầy đủ: “Vườn quốc gia núi Chúa” với đỉnh cao nhất đạt 1.040 m so với mực nước biển), vịnh Vĩnh Hy nằm lọt thỏm sâu về phía đất liền, biển không có sóng và xanh biếc. Bên trong vịnh là chi chít tàu thuyền đánh cá, thuyền thúng, tàu du lịch, tàu đáy kính để ngắm san hô với hay cầu tầu để đưa đón khách.

Cầu tàu

Trưa ấy, nắng tươi và gió lồng lộng ấy, cái làng chài nho nhỏ bao quanh một một vòng cung vịnh rất thanh bình. Đời lưới đời thuyền có bao giờ là nhàn hạ, thế mà cái khung cảnh thanh bình ấy là thật, như một giấc mơ nhỏ hiền hoà nơi bến đợi thuyền về.

Lưu niệm 🙂

Ăn trưa, nghỉ ngơi xong, lại lên đường. Lần này, chúng tôi đi qua một con đường đang mở, đã làm xong nhưng chưa thông xe và do vậy, thật la sung sướng khi cả con đường chỉ có mình mình chạy bon bon. Có những đoạn dốc cũng gần xứng tầm với mạn Tây Bắc, nhưng đường mới và rộng hơn nên cảm giác không đến nỗi gây gây như đi Tây Bắc. Khi vượt qua những đoạn ngoằn nghèo lên cao, một điều tuyệt vời cuối cùng cũng hiện ra. Biển và đảo!!!

Đứng cao hơn ngọn núi đằng xa ấy, dong mắt ra xa, cái nắng to làm sáng lên mọi cảnh vật tuyệt vời đó. Gió mát dạt dào đủ để làm dịu hết những gì nắng nóng mang lại.

Hành trình đi tìm nàng thơ của anh Thắng chỉ kết thúc khi chàng tìm thấy nàng, giữa chốn miên man hanh hao của gió biển. Con suối mà chàng bôn ba vào tìm chỉ dành cho chàng, còn bọn tôi, 3 chị em đành bó …chân khi thấy chàng một mình vác đồ nghề lội suối vào tận phía trong để tìm nàng ấy. Thế mà, ôi giời, nàng lại đối xử thật bất công với chàng vô kể khi … hất xoẹt cái balo của chàng xuống nước :)))))))

Và Chàng mang theo niềm tin mãnh liệt một ngày sẽ quay lại cùng Nàng thơ ấy

Vẻ mặt của anh Thắng lúc quay ra với cái ba lô ướt là vẻ mặt mà tôi ưa thích vô cùng :)), trên đó, nó bao hàm cả sự say mê cao độ lẫn bức bối khi bị ướt máy. Thành thật, lúc đó ba chị em đã bắt đầu ngán lẫn sợ vì khi đi, đường cũng hơi khúc khuỷu nên chị Nhàn lo ngại ra về tối quá thì nguy hiểm, mà chàng thì vẫn cứ miên man với Nàng thơ. Mãi khi tôi không còn nhịn được nữa mà lăn ra cười vì vẻ mặt của anh í, thì Kẹo cũng ko còn kềm chế được, nó cũng lăn ra với tâm sự sau này mới được giãi bày “Lúc đó em nửa lo cho anh Thắng, nửa mừng vì cuối cùng cũng được về ” =))))))

Người Raglai và hành trình đi tìm “nàng” Chapơr

Sáng hôm sau, chia tay chị Nhàn vì chị phải về sớm, ba anh em lại lên đường.

Chúng tôi bắt đầu vào khu vực người Raglai khi mặt trời đã gần đứng bóng bởi đường đi xấu quá. Từng ngôi nhà nhỏ bằng gạch, xen lẫn các ngôi nhà bằng tre nứa. Nắng và Gió. Lồng lộng. Núi và Mây. Bạt ngàn.  Trẻ em ở đây hiền và không ngại người lạ, các em biết “Chào Cô” rõ to và cười rất tươi khi chúng tôi đi qua. Điều làm tôi thấy vui thích nhất, hơn ở Tây Bắc Đông Bắc, chính là việc các em đơn giản ra chào, chứ không phải chào và đòi kẹo như trẻ em vùng cao.

Đi học về tranh thủ ngồi chơi xíu nha

“Dân tộc Ra Glai, còn viết là Ra-glai hoặc Raglai (tên gọi khác Ra GlâyHaiNoanaLa Vang[cần dẫn nguồn]) là dân tộc thiểu số thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai-Polynesia cư trú chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận và huyện Khánh Sơn, phía nam tỉnh Khánh Hòa cũng như tạiBình Thuận.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Ra Glai ở Việt Nam có dân số 122.245 người, có mặt tại 18 trên tổng số 63 tỉnhthành phố. Người Ra Glai cư trú tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận (58.911 người, chiếm 48,2% tổng số người Ra Glai tại Việt Nam), Khánh Hòa (45.915 người, chiếm 37,6% tổng số người Ra Glai tại Việt Nam), Bình Thuận(15.440 người) và Lâm Đồng (1.517 người) [2]…”

Nguồn: Wikipedia

Tôi chưa đi nhiều đến các tỉnh Tây nguyên, trừ chuyến đi Gia Lai năm nào. Đã có nhiều bài hát hay câu chuyện về người dân tộc Raglai, về chất lửa của họ, về những câu chuyện ma mị nơi rừng thiêng nước độc. Tôi khác, tôi có những trải nghiệm đơn giản hơn bằng những ánh mắt của trẻ em vùng Tây nguyên ấy, những cái nhìn thẳng và sâu. Nếu được hỏi điều gì là ấn tượng nhất từ nơi ấy, thì chính là ánh mắt. Chỉ là ánh mắt!

Mây và Núi giữa đại ngàn

Đi sâu vào làng đến khi hết đường, chúng tôi gặp một cái lán và dừng tạm để ăn trưa. Bữa trưa đạm bạc hết sức

Bữa trưa cho 3 người

Trong khi ngồi ăn trưa, có hai bạn dân tộc chở gỗ chạy lên chạy xuống liên tục. Và với tinh thần sảng khoái cao vút, chúng tôi cũng vác xe đi vào đường mòn trong rừng, thế mà, mọi việc không dễ dàng như tưởng tượng. Đường dốc kinh khủng với đá lổm nhổm khiến cuối cùng chúng tôi để xe lại và cuốc bộ đi tiếp vào sâu trong thác.

Đường dốc kinh khủng

Cuối cùng, nàng Chapơr của anh Thắng cũng dần hiện ra

“Chung quanh bao bọc những ngọn núi xanh, từ xa khoảng 1km đường chim bay nhìn về phía thác, tưởng chừng như một tấm vải lụa trắng khổng lồ thả xuống lưng chừng vách núi. Những thác nước, những dãy núi với hệ thực vật khá phong phú đa dạng đặc trưng của vùng khí hậu ôn đới. Thác nước này vào mùa khô ngày đêm vẫn đổ xuống thung lũng có buôn làng người đồng bào Raglai sinh sống, nước tung trắng xoá trời mây, ẩn mình trong rừng nguyên sơ, hùng vĩ vào mùa mưa nơi miền sơn cước của vùng đất “Bác ái anh hùng”

Thác và suối nước mát ChaPơr (theo tiếng gọi của người Raglai – Pơr: Bay; có thể hiểu là “thác nước đang bay”); nằm cách thành phố Phan Rang- Tháp Chàm khoảng 60km về hướng tây bắc, ở độ cao khoảng 500 mét so với mặt nước biển. Rừng tự nhiên Ninh Thuận chiếm diện tích 46,8% so với diện tích toàn tỉnh, tập trung chính ở các huyện Ninh Sơn và Bác Ái.

Suối thác Chapơr bắt nguồn từ đầu nguồn rừng phòng hộ. Là một con suối tự nhiên chưa có sự tác động của con người giữa rừng nguyên sơ, thác nước chảy thẳng đứng từ độ cao trên 50m xuống với bề ngang chân thác rộng 40m; thác nước như một tấm vải lụa trắng nhẹ nhàng phủ lên nhiều tảng đá của vách núi Ma Lâm, hiền hoà róc rách dẫn con nước trong vắt len lỏi tạo thành những ao nước bật thang có diện tích từ vài chục m2, có chỗ như một cái hồ rộng 300 -400 m2 nước trong xanh mát lạnh, độ sâu chỉ qua đầu người một sải tay như hồ bơi thiên tạo, bờ hồ là những gềnh đá phẳng lì nấp dưới tán cây rừng kín đáo”

Nguồn: Dacsandatphanrang

Bản đồ vệ tinh thác Chapơr

Đường màu vàng: Đường suối

Đường màu xanh: Đường mòn

Hai chị em chỉ leo trèo được tầm trăm mét, ngồi chơi, ngắm cảnh, nói chuyện, hát ca, chụp linh tinh trong khi nghệ-nhân-chân-chính thì vẫy vùng trong nước với nàng Chapơr của anh í. Hic, thiệt sự ngưỡng mộ cái sự lăn xả vì nghệ thuật của chàng. Gặp mình mà bắt vác từng nấy thứ, mình vứt, vứt hết (vứt ở nhà ấy).

Vượt suối

Cây bị lâm tặc đốn đổ khắp nơi trong rừng. Dù không biết là gỗ gì nhưng sau này nói chuyện với một anh đã từng ở đây về, ảnh bảo hẳn là gỗ quý vì người ta không vác cả thân cây to, mà cưa ra từng đoạn từng đoạn. Chợt nghĩ đến bác Du Già với câu chuyện về gỗ pơ mu nơi núi rừng Tây Bắc :(. Biết đâu, có khi sau này mình có con, cả nhà đi bụi thế này, về đến đây thì chỉ còn trơ lại núi đá xung quanh …

Biết đâu chẳng còn được thấy cảnh này 😦

Hơn 4 giờ chiều, dù chưa thoả mãn lắm nhưng vẫn phải ra về vì nếu không trời sập tối 1 cái là đứt. Nói thiệt  chứ sâu trong thâm tâm, đó là một cảm giác phức tạp bởi nửa bị quyến rũ và  nửa sợ hãi giữa chốn rừng hoang vu ấy. Chưa bao giờ là cảm giác như thế ngay cả khi lạc ở Mũi Đôi, hay khi ở rừng núi Tây Bắc. Kỳ lạ!

Chiều trên bản làng

Đồi Cát Nam Cương và câu chuyện về nạn nhân của nàng Chapơr

Hôm sau dậy rõ là sớm, nhưng chỉ còn 2 anh em đi chụp đồi cát vì có 1 con nhỏ hôm qua trong khi chơi đùa với nàng Chapơr, phóng qua cái cây rồi …té, té rất đẹp và gọn như một trái mít rụng, nên hôm sau nó ở nhà tịnh dưỡng :))

Đồi cát Nam Cương
Mạng nhện chốn hoang vu

“Đồi cát Nam Cương thuộc địa phận xã Tuấn Tú, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) còn nguyên nét hoang sơ của mình, có lẽ một phần do chưa được nổi tiếng như các đồi cát ở Mũi Né (Bình Thuận), hay khai thác kinh doanh như Thuỷ Triều (Cam Ranh, Khánh Hòa). Nhờ vậy khách du lịch phương xa đến đây dễ thấy sự thú vị riêng của thiên nhiên vùng duyên hải này.”

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Đã từng có dịp đi đồi cát ở Mũi Né, cá nhân tôi thì cho rằng đồi cát ở đây nhỏ hơn, tuy nhiên ở đây thích hơn vì không có du lịch gì cả. Bởi vậy nguyên đồi cát chỉ có mình mình chơi thôi, không phải có cảnh người ùn ùn như ở Mũi Né. Đồi cát  ngay sát biền nên độ ẩm cao hơn, đi không mất sức do bị sụt lún nhiều như ở Mũi Né. Và vì gần biển hơn nên các vân cát rất rõ ràng chứ không mịn mượt, bao nhiêu là vân đẹp thiệt là đẹp.

Vân Cát
“Thiện & Ác”, hý hý hý

Chơi chán. Tôi về rồi rủ Kẹo rảo ra nhà thờ, cái niềm vui đến nhà thờ ở mỗi nơi vẫn chưa bao giờ cạn.

Nhà thờ Phan Rang

Được xây dựng từ 1963, nhà thờ Phan Rang vừa được sửa sang nên trông rất mới :(. Với lối kiến trúc đơn giản nhất từ trước đến giờ trong các nhà thờ tôi từng được chiêm ngưỡng, nhà thờ Phan Rang bên ngoài với tháp chuông lệch sang một bên, phía bên ngoài có 14 trụ đang được làm để dựng tượng. Sau khi xin phép Cha để đi thăm 1 vòng, thầy Bình, một thầy còn rất trẻ mới chuyển từ Nha trang vào, dẫn bọn tôi thăm quan 1 vòng lẫn chiều luôn cả ý định leo lên tháp chuông.

Xét về mức độ chi tiết  thì nhà thờ Phan Rang là rất đơn giản, từ chi tiết cột kèo đến tượng trên tường. Tuy nhiên sự đơn giản này lại mang đến cho nhà thờ Phan Rang một dáng vẻ nhẹ nhàng và điểm đạm hơn.

Đường lên tháp chuông khá nhỏ, có những đoạn phải xoay ngang người để lách qua cột mà đi. Thú thật khi lên gần tới đỉnh tháp thì tôi bắt đầu sợ và cảm giác hơi buồn nôn. Cho đến khi leo hẳn ra ngoài và vịn vào cái lan can thấp lè tè và lung lay, thì với cái gió lồng lộng, tôi đã… suýt nữa hiện thực hoá cơn nôn của mình, và sợ đến nỗi không xoay người ra sau 1 chút nữa để thấy được cây thánh giá trên chóp :(. Hic, dù sao thì lên tới được đây cũng đã là giỏi lắm rồi ấy mà.

Bên trong tháp chuông

Và Phan Rang trong tôi là thế, một chuyến đi bất ngờ và vui vẻ hơn mường tượng, với những người bạn trước đây tưởng chỉ là ảo qua mạng nay hoá ra là thật, càng ngày càng thật và gần hơn. Đã thế thì, tại sao chúng mình không không thể xây dựng mơ ước cho những chuyến sau, nhỉ. Mình là mình thích các bạn rồi đấy 🙂

PS: Trong bài có sử dụng một số hình ảnh của anh Thắng. Cảm ơn anh 🙂

Update ngày 16/02/2013 sau chuyến đi của em Kẹo

Thác mùa này rất ít nước nên xấu. Mùa du lịch nên rất mất thẩm mỹ, rác rất nhiều.

 

22 thoughts on “Phan Rang _ Biển xanh, cát trắng và câu chuyện về thác Chapơr

      1. Nhưng vấn đề là tớ chẳng viết dài được, mấy lần viết mà chỉ được 1 đoạn chấp nhận được, đoạn sau thì như ngồi lảm nhảm thì là mà ấy

      2. Chắc tại cậu đi ít, bọn tớ đi 3 ngày lận mà, thiếu gì để viết. Lần sau cậu đi … 1 tuần cho tớ, thể nào cũng viết tốt 😀

    1. chuyện là ngày còn bé tớ đọc tiểu thuyết “Mùa Tôm” trong đầu tớ đầy ắp hình ảnh những con tàu quay về bờ mang đầy cá tôm, rồi những làng chài phơi tôm cá, nên khi nhìn những hình ảnh cậu chụp làng chài tự dưng lại nhớ quyển truyện ấy. Vậy thôi hà, chắc tại tớ hay chém gió nên cậu tớ có miu đồ gì hả

  1. Tớ cực thích truyện đấy cậu ạ, lần đầu tớ đọc lúc 7-8 tuổi tớ say mê mỗi khi tàu cá về, đến năm tớ 18 tuổi tớ xem lại tớ say mê chuyện tình của đôi tình nhân, năm tớ 30 tớ đọc lại tớ “cảm” sự trái khuấy của con tim

      1. tớ có ba quyển truyện theo năm tháng đó là Mùa Tôm, Thành Trì và Hiệu Hạnh phúc các bà. Tiếc là không còn giữ được quyển nào cả hix

  2. 1. Tớ thấy cậu đăng ảnh cho National Geographic được roài á!…(^-~) Nhìn mấy ảnh portrait, nhất là ảnh của bé gái là thấy cậu có…thiên hướng chụp ảnh cưới roài á! Từ nay trở đi, tớ đề nghị là hổng nên chụp ảnh cho các single gái trong xóm blog nữa nha. Đứa nào muốn chị Zip chụp ảnh cho thì kiếm giai & cưới chồng đi, để chị Zip mần album cưới cho luôn…hị…hị… (^0^)

    2. Tớ đọc entry này, không có nhớ truyện Mùa Tôm như má Hoa Hậu mà nhớ….chầu dê nướng ở Vĩnh Hy…ak..ak… Đi Vĩnh Hy, không ăn hải sản (hay là cookies như trong hình…hahah…) mà “ăn” thịt dê mới ghê! Chữ “ăn” trong ngoặc kép vì là tớ hổng có ăn, mấy đứa khác ăn thoai, mà ngang trái lắm, tớ cứ phải ngồi nhìn chúng nó ăn…hixhix…

    3. Đang théc méc là đến Vĩnh Hy rồi mà có thuê thuyền đi ra ngoài vịnh hay không? Nếu không thì lần sau nên đi, có vậy thoai.

    1. 1. Sướng
      2. Tội nghiệp
      3. Hổng có đi. Mà hổng có lần sau đâu, nếu có, mình cũng hổng có ham ra ngoải đâu. Sợ lém.

  3. Trời ơi, nếu ko phải là đang vác balô ngược thì dễ gì tui chịu ngồi đây gặm nhấm nỗi “ghen ăn tức ở” và thèm thuồng như thế này *_* Hận thiên thu, hic hic…

    1. Thôi được rồi. Mơi mốt cô dẫn Coca đi. Được chưa. Hận cái gì mà hận… Nói về hận thì phải là kiểu hận vì ngồi coi quyển ăn vặt mà chưa đi ăn được đây này :((

      1. Tại…. bận đi phượt quá nên hỏng đi ăn vặt đc thôi chứ có phải là bận bịu gì trăm công ngàn việc đâu *_* HIc…

      2. Hồi xưa đi học cô giáo có dạy là không nên ghen tỵ với người khác đó Chip. Quên bài rồi sao :”)

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.